Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường hàng chục nghìn tỷ VND qua kênh mua ngoại tệ?

Trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới phát hành, Chứng khoán VnDirect cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu mua vào USD trong bối cảnh áp lực tỷ giá suy giảm. Theo ước tính của nhóm phân tích, NHNN đã mua vào khoảng 3,6 tỷ USD kể từ đầu năm 2023.

Dựa trên con số ước tính của đơn vị phân tích này, đã có khoảng 84.420 tỷ đồng nội tệ (tính theo giá chào mua 23.450 đồng/USD) được Nhà điều hành bơm đối ứng vào hệ thống ngân hàng thông qua kênh mua ngoại tệ.

Còn theo thông tin của Chứng khoán BIDV (BSC), NHNN bắt đầu mua vào ngoại tệ kể từ tháng 1/2023 và tính riêng trong tháng 1 đã mua thêm 2,78 tỷ USD (tương gần 65.190 tỷ VND).

Trước đó, trong 10 tháng năm 2022, NHNN đã phải bán một lượng lớn dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá, ước khoảng 20% dự trữ ngoại hối. Bước sang những tháng cuối 2022 và đầu 2023, đồng USD hạ nhiệt đã làm giảm áp lực lên tỷ giá.

Theo VnDirect, trong bối cảnh tỷ giá hạ nhiệt, NHNN có thể chuyển ưu tiên sang ổn định lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Để bơm thanh khoản VND ra thị trường nhằm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất, Nhà điều hành có thể xem xét mua vào dự trữ ngoại hối.

Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường hàng chục nghìn tỷ VND qua kênh mua ngoại tệ? (Ảnh minh hoạ)

Thực tế, NHNN từ giữa tháng 12/2022 cũng đã phát tín hiệu quay trở lại mua ngoại tệ sau ba tháng “để trắng” giá bên mua, song không công bố lượng USD đã mua vào từ đó đến nay.

Giới chuyên môn cho rằng, lượng VND được NHNN bơm vào hệ thống qua kênh mua ngoại tệ có thể là một trong những nhân tố hỗ trợ chính giúp thanh khoản hệ thống trở nên dồi dào hơn trong những phiên giao dịch gần đây.

Số liệu mới nhất vừa được NHNN công bố cho thấy, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90 – 95% khối lượng giao dịch) đã giảm về mức 4,05% vào ngày 14/2, từ mức 4 gần 6,3% ghi nhận vào hồi đầu tháng. Lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng cũng đồng loạt giảm mạnh so với đầu tháng 2.

Cùng với lãi suất, nhu cầu vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) tại NHNN cũng giảm dần từ đầu tuần trước và dừng hẳn trong một số phiên giao dịch gần đây.

Trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng giảm sâu, NHNN đã đẩy mạnh hoạt động phát hành tín phiếu nhằm hút bớt thanh khoản hệ thống với quy mô thường xuyên ở mức 10.000 – 20.000 tỷ/phiên. Đáng chú ý, nhà điều hành đã sử dụng lại công cụ bán tín phiếu kỳ hạn 91 ngày từ phiên 15/2 cho thấy định hướng ”nhốt” tiền lâu hơn của Nhà điều hành.

Trước đó, giới phân tích cũng dự báo sẽ có hoạt động mua ngoại tệ của NHNN sẽ hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng trong năm 2023.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng với áp lực tỷ giá giảm bớt, NHNN có thể tận dụng cơ hội để tích trữ ngoại tệ, đồng thời là cũng một kênh hỗ trợ thanh khoản tiền đồng. Bên cạnh đó, tín dụng tăng chậm hơn, huy động vốn tích cực hơn và tăng trưởng cung tiền sẽ có sự phục hồi nhờ đầu tư công cải thiện sẽ hỗ trợ thanh khoản hệ thống.

Đồng quan điểm, Chứng khoán KB cho rằng, năm 2023 NHNN sẽ thực hiện lại nghiệp vụ mua USD trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ thặng dư thương mại, kiều hối và FDI, vay nợ ròng nước ngoài, qua đó giúp tăng dự trữ ngoại hối và bơm một lượng tiền VND vào hệ thống các ngân hàng.

Trong khi Chứng khoán VnDirect kỳ vọng thặng dư thương mại đạt mức 12 tỷ USD, từ mức thặng dư thương mại dự kiến là 10,4 tỷ USD trong năm 2022. Đồng thời, nhóm phân tích cũng kỳ vọng tài khoản vãng lai chuyển sang thặng dư ở mức 0,4% GDP vào năm 2023 từ mức thâm hụt dự kiến là 1,3% GDP trong năm 2022.

Do đó, VnDirect, trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 3 tháng nhập khẩu và đạt 102 tỷ USD vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, VNDirect cho biết, có một số rủi ro chính cho dự báo trên bao gồm lạm phát cao hơn dự kiến, đồng USD mạnh hơn dự kiến có thể gây thêm áp lực lên VND và các đối tác thương mại lớn của Việt Nam suy thoái mạnh hơn dự kiến.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *